Skip to main content

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trong xây dựng nông thôn mới

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, người dân trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng, TPLX đã sáng tạo để phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Đây là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường.

468


Điển hình như nông dân Nguyễn Thanh Hùng, ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng. Trước đây, gia đình ông trồng lúa nhưng kém hiệu quả. Qua học hỏi và tìm hiểu các mô hình sản xuất mới, ông Hùng nhận thấy cây nhãn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, đồng thời đem lại giá trị kinh tế cao so với một số loại cây trồng khác. Vì vậy, 5 năm qua, ông quyết định chuyển đổi 11 công đất trồng lúa sang trồng nhãn Indo, chi phí trung bình cho 1 công nhãn khoảng 7 triệu đồng, năng suất đạt từ 1,2 - 2 tấn/công, giá bán bình quân khoảng 18 ngàn đồng/kg thì người nông dân có thu nhập trên 10 triệu đồng/công. Cây nhãn càng lâu năm năng suất càng cao, nhất là từ năm thứ năm, thứ sáu… 
Bên cạnh đó, để tăng thu nhập cho gia đình, mới đây ông Hùng đã mạnh dạn đầu tư trên 200 triệu đồng cất lều, trang trí tiểu cảnh, lắp đặt nhiều vật dụng trong vườn nhãn để thực hiện mô hình du lịch sinh thái vườn, đáp ứng nhu cầu khách tham quan và ăn uống.

468


Hiện nay, xã Mỹ Hòa Hưng có 10 điểm du lịch sinh thái vườn và 6 điểm du lịch homestay… Qua thực hiện các mô hình này đã cho hiệu quả kinh tế gấp 10 lần so với trồng lúa truyền thống, không chỉ mang lại thu nhập cho người sản xuất mà còn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Hy vọng rằng, thời gian tới người dân tích cực duy trì và phát triển bền vững các mô hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu./. Hồng Đào-Diễm Phương