Skip to main content

Tiềm ẩn nguy cơ dịch vụ nấu ăn lưu động.

Dịch vụ nấu ăn lưu động có từ nhiều năm nay, nhưng không dễ dàng quản lý, kiểm tra, giám sát. Bởi vì các cơ sở phục vụ tiệc cưới hỏi thường sơ chế tại nhà, không có bếp nấu; Sau đó mang đến nhá khách hàng và phục vụ tại chỗ. Thậm chỉ chủ cơ sở dịch vụ sơ chế và nấu ở lề đường hoặc hàng hiên gần nhà khách hàng bày tiệc, phục vụ xong họ lại di chuyển sang nơi khách hàng khác.


Chính vì sự khá tiện lợi, phù hợp với túi tiền của gia chủ đặt tiệc, dịch vụ nấu ăn lưu động đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Người đặt tiệc thường quan tâm giá cả, loại món ăn có ngon hay không. Nắm bắt yếu tố này, bên kinh doanh dịch vụ tìm cách đưa mức giá thấp nhất tạo sự cạnh tranh. Khi giá thành quá thấp, chất lượng nguồn gốc nguyên liệu đầu vào là vấn đề đáng quan tâm. Do đó, cả 2 bên cung và cầu chưa chú ý đến chuyện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Từ thực tiển trên các cơ quan từ Trung ương đến địa phương ban hành các Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó cần nhấn mạnh nội dung Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02-02-2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ y tế. Quyết định số 29/2022/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 của UBND tỉnh An Giang về việc Ban hành quy định phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên địa bàn tỉnh An Giang.
Nhằm để thực hiện hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm như: giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của người trực tiếp chế biến thức ăn do chủ cơ sở xác nhận; giấy khám sức khỏe của người trực tiếp chế biến thức ăn và chủ cơ sở theo đúng quy định; thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm; giấy tờ mua bán các loại thực phẩm; kiểm tra môi trường xung quanh khu vực chế biến thực phẩm; thực hiện đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng bảo quản, vận chuyển thực phẩm và thực hành trong quá trình chế biến thực phẩm. quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
Yêu cầu các cơ sở khi đến cung cấp dịch vụ tại địa phương phải thông báo và xuất trình các giấy tờ nêu trên với trung tâm y tế cấp huyện hoặc trạm y tế trên địa bàn để giám sát hoạt động. Các cơ sở nấu ăn lưu động phải đảm bảo môi trường xung quanh khu vực chế biến và khu vực chuẩn bị thức ăn đã nấu chín trước khi soạn lên bàn tiệc phải luôn sạch sẽ và khô ráo, không được gần các khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; rác, thức ăn thừa, nước thải phải được xử lý triệt để, cống rãnh sạch thoáng; thiết bị, dụng cụ chế biến thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, ngành y tế khuyến cáo người tiêu dùng, gia chủ đãi tiệc, người dân nên lựa chọn các cơ sở dịch vụ chất lượng, có uy tín, phát hiện và tố giác những trường hợp vi phạm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Đối với UBND cấp xã thực hiện triển khai các biện pháp cần thiết phù hợp nâng cao nâng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm.  Đồng thời giám sát, kiểm soát, quản lý chặt về công tác an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với những địa điểm thường xuyên chế biến, nấu thức ăn phục vụ đông người tại các buổi tiệc, ngày lễ cúng chùa, đình, lễ hội... Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý./.