Skip to main content

HƯỚNG DẪN TRUYỀN THÔNG PHÒNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

HƯỚNG DẪN TRUYỀN THÔNG PHÒNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
1. Bà mẹ/người chăm sóc trẻ có con dưới 5 tuổi trong cộng đồng (Nơi chưa xảy ra ca bệnh hay ổ dịch)
- Hình thức truyền thông: truyền thông nhóm
- Nội dung truyền thông: cần làm cho các bà mẹ/người chăm sóc trẻ biết
+ Làm sao phát hiện trẻ bị bệnh TCM (nêu dấu hiệu/triệu chứng bệnh hoặc hình ảnh của trẻ bệnh)→ Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám.
+ Làm gì để chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà khi trẻ bị bệnh TCM (cần thực hiện cách ly trẻ, cách chăm sóc trẻ bệnh và theo dõi dấu hiệu trở nặng)→ Nhấn mạnh khi phát hiện dấu hiệu trở nặng đưa ngay trẻ đến bệnh viện gần nhất.
+ Trẻ lại bị mắc bệnh TC có thể do:
Trẻ tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh hoặc trẻ nghi ngờ mắc bệnh (như chơi chung, ăn chung, ngủ chung ....);
Trẻ tiếp xúc với những vật dụng, đồ chơi, bề mặt sàn nhà, bàn ghế, tay vịn,  tay nắm cửa, ..... đã bị nhiễm bẩn vi rút gây bệnh TCM;
 Ba, mẹ, người thân trong gia đình, người chăm sóc trẻ mang mầm bệnh lây trực tiếp cho trẻ qua bồng ẵm, hôn hít trẻ, nựng trẻ, cho trẻ ăn, .....
+ Cách phòng cho trẻ không bị bệnh TCM:
 Không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh hoặc trẻ nghi ngờ mắc bệnh. Hạn chế đưa trẻ đến nơi tập trung đông người;
 Rửa tay thường xuyên cho trẻ với xà phòng (trước, trong, sau khi ăn, sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh, ...). Không cho trẻ có những thói quen không tốt: mút ngón tay, ngậm vật dụng, đồ chơi vào miệng.
 Thực hiện lau khử khuẩn hàng ngày sàn nhà, bề mặt vật dụng trẻ hay sờ, chạm đến, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang,... khử khuẩn đồ chơi của trẻ bằng dung dịch khử khuẩn thông thường (nước Javel, dung dịch có Clo, xà phòng, ...)
 Ba, mẹ, người thân trong gia đình, người chăm sóc trẻ rửa tay với xà phòng trước và sau khi bồng ẵm, hôn hít trẻ, nựng trẻ, cho trẻ ăn, ....
 Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
2. Bà mẹ/người chăm sóc trẻ có con dưới 5 tuổi tại nơi xảy ra ca bệnh tản phát hay ổ dịch tay chân miệng
Cần tuyên truyền hướng dẫn cho bà mẹ/người chăm sóc trẻ những việc sau:
-    Tại nhà bệnh nhân: 
+ Nếu bệnh nhân được điều trị tại nhà theo quy định thì phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh;
+ Hướng dẫn người nhà theo dõi bệnh nhân, khi thấy trẻ có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như giật mình, chới với, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (≥39,5oC)→ Đưa đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.
+ Hướng dẫn hộ gia đình tự theo dõi sức khỏe các thành viên trong gia đình, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi, nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế xử lý, điều trị kịp thời.
+ Những thành viên trong hộ gia đình bệnh nhân không nên tiếp xúc, chăm sóc trẻ em khác và không tham gia chế biến thức ăn phục vụ các bữa ăn tập thể.
+ Thực hiện 3 sạch tại hộ gia đình: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.
-    Tại  nhà có trẻ em ≤ 5 tuổi trong bán kính ổ dịch (100 mét):
+ Không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh hoặc trẻ nghi ngờ mắc bệnh. Không đưa trẻ đến nơi tập trung đông người;
+ Hướng dẫn người nhà theo dõi sức khỏe của trẻ: các triệu trứng chính của bệnh (sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối) hoặc các dấu hiệu chuyển bệnh nặng (sốt cao, giật mình, chới với, lừ đừ, run chi, bứt rứt, khó ngủ, nôn nhiều, rung giật cơ, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh) → Khi phát hiện một trong các biểu hiện nêu trên đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
+ Tuân thủ thực hiện lau khử khuẩn theo hướng dẫn của y tế;
+ Rửa tay thường xuyên cho trẻ với xà phòng (trước, trong, sau khi ăn, sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh...). Không cho trẻ có những thói quen không tốt: mút ngón tay, ngậm vật dụng, đồ chơi vào miệng.
+ Ba, mẹ, người thân trong gia đình, người chăm sóc trẻ rửa tay với xà phòng trước và sau khi bồng ẵm, hôn hít trẻ, nựng trẻ, cho trẻ ăn.....
+ Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
3. Giáo viên /bảo mẫu trường học công và tư thục: mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình
- Khi chưa có ca bệnh xuất hiện trong lớp học/trường học: 
+ Hướng dẫn cho giáo viên /bảo mẫu trường học biết thực hiện nội dung truyền thông BYT hướng dẫn theo QĐ 581-BYT (Triển khai cụ thể từng nội dung cần thực hiện)
+ Hướng dẫn thêm cho giáo viên nội dung sinh hoạt nhóm với PHHS hoặc PHHS cần làm gì khi phát hiện trẻ bị bệnh tay chân miệng:
 Không đưa trẻ đến lớp học, đồng thời PHHS thông báo qua điện thoại cho GV.
 Hướng dẫn PHHS đưa trẻ đi khám bệnh và đề nghị PHHS thực hiện cách ly trẻ tại nhà ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.
 Hướng dẫn PHHS báo cho TYT biết về bệnh của trẻ, để TYT đến hướng dẫn cách theo dõi trẻ tại nhà và thực hiện lau khử khuẩn theo đúng quy định, tránh phát tán mầm bệnh đến các bé trong khu vực.  
- Khi có ca bệnh/ổ dịch xuất hiện trong lớp học/trường học
+ Thông báo ngay cho Trạm y tế của địa phương biết để phối hợp xử lý
+ Cho trẻ mắc bệnh nghỉ học ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.
+ Giáo viên/Bảo mẫu trường cần theo dõi tình trạng sức khỏe hàng ngày cho các trẻ còn lại trong lớp → Khi phát hiện trong lớp /trong trường có trẻ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho gia đình và cán bộ y tế để xử lý kịp thời.
+ Thực hiện lau khử khuẩn sàn nhà, bề mặt vật dụng hàng ngày, khử  khuẩn đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ  với hóa chất Chloramin B theo hướng dẫn của trạm y tế. 
+ Giám sát tuân thủ thực hiện rửa tay của trẻ, cô giáo, bảo mẫu 
+ Tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo.Thời gian đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo là 10 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.
4. Lãnh đạo chính quyền, đoàn thể tại địa phương: 
+ Sinh hoạt những hướng dẫn chung theo Quyết định số 581/QĐ-BYT ngày 24/2/2012 của Bộ Y tế.
+ Cần thiết mời họ tham gia tuyên truyền hướng dẫn cho những hộ gia đình có con dưới 5 tuổi trong địa bàn nơi cư trú hoặc địa bàn phụ trách./.